“10 năm tới đất nước không cất cánh thì khát vọng mãi là khát vọng”
Cập nhật: 03/11/2020
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - “Đất nước phải cất cánh và đạt bình độ cần có trong 10 năm tới. Nếu cứ loay hoay không cất cánh dược, hay cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV diễn ra chiều 3/11.
Vươn lên trong điều kiện bình thường mới
Tập trung phát biểu về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm tới (2021-2025), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt với 2 đặc điểm. Thứ nhất là chúng ta có khát vọng phát triển đã được lượng hoá, đó là cột mốc 2030 và 2045, theo đó chỉ có từ 2 đến 5 kế hoạch 5 năm.
“Nếu hình dung chúng ta chuẩn bị cho một chặng bay mới, nói cách khác là Đổi mới vòng 2 thì 10 năm tới đất nước phải cất cánh và đạt bình độ cần có nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập các quốc gia phát triển. Nếu cứ loay hoay không cất cánh được, hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ dẫn đến sau 10 năm sẽ không đạt bình độ cần thiết thì khi đó khát vọng vẫn mãi là khát vọng mà thôi” – ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Để đạt được các cột mốc phát triển, theo đại biểu Nghĩa, chúng ta phải giải quyết một loạt bài toán về tăng trưởng, tài chính - ngân cách, bảo vệ chủ quyền - an ninh, Nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ và huy động sức dân. Từ đó phải có giải pháp, kế hoạch hành động, đề án khả thi, khoa học và cụ thể.
Điều đó liên quan đến đặc điểm “bình thường mới”, các nước không thể tồn tại và sống theo cách thức như trước, chẳng những không thể xây dựng các mục tiêu như cũ mà cơ chế và phương thức thực hiện không thể như trước. Tuy nhiên, theo đại biểu, đặc điểm này chưa được thể hiện rõ trong nội dung kế hoạch 5 năm tới.
“Sars-Covy-2 hay tới 3,4,5 có thể làm phá sản mọi tham vọng của những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên, đuổi kịp các nước phát triển nếu quốc gia đó có chiến lược phát triển khôn ngoan, có bộ máy năng lực, giữ được niềm tin và biết cách huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân mình” – ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
“Covid lắng xuống thì có thể Biển Đông dậy sóng mạnh hơn”
Cho rằng tính tự chủ là đặc thù của giai đoạn bình thường mới và không phải là độc lập hay quay về bảo hộ, còn tự chủ cái gì và như thế nào đương nhiên phải bàn sâu, kỹ hơn, đại biểu đoàn TPHCM đề nghị rà soát toàn bộ nội dung của các khu vực kinh tế để xây dựng lại phù hợp.
Đại biểu đặt vấn đề du lịch tới đây sẽ như thế nào? Nhật Bản tiến hành xét nghiệm tại sân bay 10.000 người/ngày và có kết quả trong 6 giờ, tiến tới chỉ trong 2 giờ để rồi trên cơ sở đó mở cửa thị trường du lịch. Nước ta còn nghèo thì áp dụng thế nào để an toàn khi khách du lịch toả đi mọi vùng miền, hợp tác ra sao với từng quốc gia có nguồn khách du lịch. Du lịch đình trệ thì hàng không và nhiều ngành kinh tế khác có nguy cơ suy sụp.
“Chúng ta cũng không thể đạt các mục tiêu tăng trưởng theo cách cũ, bởi sức mua và cách thức tiêu thụ của các thị trường lớn đã thay đổi. Do đó ngành thuỷ sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày... phải thay đổi ra sao để tiếp tục tăng trưởng? Cách gì khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân? Tôi có cảm giác chúng ta còn lúng túng, sơ lược về giải pháp khi đề ra mục tiêu” – đại biểu nói.
Phân tích về bài toán tài chính - ngân sách, ông Trương Trọng Nghĩa nói có cử tri lo lắng về việc phải chăng điều chỉnh quy mô kinh tế để có thể nâng tiêu chí như bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài. Việc này có thể tạo ra dư địa cho vay nợ, chi ngân sách nhưng cũng là dư địa cho lãng phí, kém hiệu quả, tham nhũng trong đầu tư công. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh xã hội 5 năm tới là yêu cầu cấp bách, quan trọng, có thể làm phá sản kế hoạch phát triển nếu xảy ra khủng hoảng về an sinh.
Về quốc phòng an ninh, đại biểu lo lắng “có thể dự đoán khi Covid lắng xuống thì Biển Đông dậy sóng mạnh hơn”. Nhiệm vụ quốc phòng – an inh phức tạp, nặng nề hơn để đảm bảo “ngoài êm, trong ấm”. Ông đồng ý rằng không còn cách nào khác, lực lượng vũ trang phải tinh nhuệ, hiện đại, nhưng như thế sẽ tốn kém nên đòi hỏi “thà ít mà tốt, muốn tinh thì phải gọn” để Nhà nước và nhân dân có khả năng tập trung đầu tư cho lực lượng vũ trang.
Đề cập vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò kiểm soát quyền lực qua Quốc hội là cực kỳ quan trọng. Khi cơ cấu đại biểu hợp lý, đủ trình độ và phẩm chất, trách nhiệm thì Quốc hội là nơi thể hiển rõ và thực chất nhất dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
“Nhân dân với tư cách người chủ đất nước là nguồn trí tuệ, tài lực quan trọng trên mọi phương diện, trong mọi tình huống, không gì thay thế được. Càng bảo đảm tốt quyền dân thì càng huy động được sức dân để phát triển. Cần nghiêm trị các hành vi biểu hiện nhũng nhiễu, vô cảm, hách dịch, xâm phạm lợi ích của người dân”– đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định và nhấn mạnh nếu giải được các bài toán nêu trên sẽ tạo động lực và nguồn lực cho giai đoạn tiếp theo./.
Từ khóa: Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam, kế hoạch 5 năm, Trương Trọng Nghĩa, Biển Đông. Covid-19
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN