1 triệu giáo viên, 2,5 nghìn tỷ và tấm chứng chỉ nghề nghiệp

Cập nhật: 11/03/2021

[VOV2] - Cớ sao lại bắt giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Tấm chứng chỉ để phù hợp với quy định trong Luật, là một tờ giấy cần phải có trong hồ sơ giáo viên hay nó phục vụ lợi ích cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng?

Nếu làm một phép tính đơn giản, khoảng 1 triệu giáo viên công lập từ bậc mầm non đến THPT phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và mỗi giáo viên phải bỏ ra số tiền 2,5 triệu đồng/chứng chỉ để “trụ hạng” hay “thăng hạng” thì tổng số tiền mà khoảng 1 triệu giáo viên phải bỏ ra để đi học sẽ là con số rất lớn: 2.500 tỷ đồng.

2.500 tỷ đó mới chỉ là con số ước tính. Còn nếu một giáo viên phải học đồng thời chứng chỉ hạng 3 để “trụ hạng” và tiếp tục học chứng chỉ hạng 2, hạng 1 để “thăng hạng” thì số tiền có lẽ không chỉ dừng lại là 2.500 tỷ đồng mà có thể là 3, 4 thậm chí là 5 nghìn tỷ đồng.

Những con số thật khiến bất cứ ai cũng “buốt ruột”, nhất là với nhà giáo-những người vốn đã sống chật vật, khó khăn với đồng lương ít ỏi giờ phải bỏ ra số tiền bằng hơn nửa tháng lương của giáo viên mới ra trường.

Một nhà giáo có thâm niên đứng trên bục giảng ngót ngét gần 20 năm, đã trải qua biết bao lớp bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ, đạt nhiều thành tích trong giảng dạy nhưng giờ thở dài ngao ngán khi vẫn phải đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chỉ để lấy được một tấm chứng chỉ giáo viên hạng 3 để “trụ hạng”.

 “Trụ hạng”, “giữ hạng” hay “thăng hạng” cuộc đua chứng chỉ không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn lãng phí thời gian, công sức. Nhiều giáo viên lắc đầu, ngao ngán khi nhìn vào chương trình, nội dung bồi dưỡng. Những kiến thức cũ, những bài giảng không mới, những nội dung đã quá quen thuộc đối với nhiều giáo viên trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm, hàng tháng thậm chí có kiến thức đã được học tại trường sư phạm.

Họ lắc đầu, ngao ngán vì nếu không có tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên vẫn lên lớp bình thường, vẫn giáo dục học sinh tốt. Không cần có tấm chứng chỉ 1, 2, 3… họ vẫn có thể gặt hái nhiều thành công trong nghề nghiệp cả trong nước và trên môi trường quốc tế.

Vậy cớ sao lại bắt giáo viên phải có tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Tấm chứng chỉ để phù hợp với quy định trong Luật, là một tờ giấy cần phải có trong hồ sơ giáo viên? Là căn cứ để xếp lương, xếp thưởng hay nó phục vụ lợi ích cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên?

Một vị Giáo sư uy tín trong ngành giáo dục khi chia sẻ về việc giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phải thốt lên rằng, căn bệnh trầm kha trong công tác quản lý ở nhiều Bộ, ngành là đặt ra những quy định mà không có tiền thì không làm được. Nếu nhìn vào những gì mà giáo viên đang phải trải qua để được cấp tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì những lời cảm thán của vị Giáo sư này hẳn không sai.

Suy cho cùng chất lượng, năng lực của nhà giáo được đo đếm bởi chính sản phẩm giáo dục của họ, đó là chất lượng học sinh, là cơ hội và sự trưởng thành của học trò chứ không phải là những tấm chứng chỉ, danh hiệu hay bằng cấp. “Chiếc áo không làm nên thầy tu"!

Từ khóa: chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên hạng 3, hạng 2, hạng 1, bồi dưỡng giáo viên, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập