Việt Nam tiếp tục cam kết xóa bỏ lao động trẻ em

01/12/2021 | VOV2
[VOV2] - Lao động trẻ em để lại hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa, cản trở sự tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị tương lai tốt đẹp của các em.

Vì một thế hệ tương lai an toàn và khỏe mạnh, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã chính thức được phát động, nhằm thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trong cuộc chiến chống lao động trẻ em.

Lao động trẻ em xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu, nâng tổng số lao động trẻ em toàn cầu xấp xỉ 169 triệu vào năm 2022. vào năm 2022. Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em, bao gồm suy giảm kinh tế, tác động của tình trạng thiếu việc làm và mất việc làm đối với các hộ gia đình, rào cản đối với giáo dục, mất an ninh lương thực, gia tăng tỷ lệ tử vong và chi phí y tế cao. Lao động trẻ em xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, cho thấy, lao động trẻ em ở Việt Nam từ 5-17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em từ 5 - 17 tuổi, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, lao động sớm để lại hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở sự tiếp cận, thụ hưởng đến nền giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị tương lai tốt đẹp của các em, đồng thời cũng làm mất đi cơ hội để thực hiện các quyền của các em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Điều đó được thể hiện ở việc Việt Nam đã tham gia Điều ước quốc tế nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Ngoài ra nước ta cũng đã phê chuẩn công ước 182 của tổ quốc ILO về cấm các hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016- 2020. Qua 5 năm thực hiện, một điểm sáng được ghi nhận đó chính là hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề lao động trẻ em tương đối đầy đủ. Đặc biệt trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em được quan tâm chỉ đạo từ Trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện, xã và đặc biệt là huy động được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong quá trình 5 năm triển khai chương trình, ngoài việc ban hành bộ tài liệu liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thì các hoạt động hỗ trợ can thiệp lao động trẻ em cũng được xây dựng và phổ biến trên toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được ghi nhận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh covid- 19 hoành hành, tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật có nguy cơ tăng trở lại, tập trung nhiều ở lĩnh vực nông nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khu vực phi chính thức.

“Phát hiện lao động trẻ em gặp không ít khó khăn do các em thường làm việc ở trong lĩnh vực nông nghiệp; nơi khó can thiệp, kiểm tra như hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức...”, bà Hà nhấn mạnh.

Với những thách thức đặt ra như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bà Bharati Pflug - Chuyên gia cao cấp của ILO: Việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em sẽ đảm bảo rằng cam kết này được áp dụng trên thực tế, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu; điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước sau Covid-19. Tuy nhiên, bà Bharati Pflug lưu ý: Lao động trẻ em không chỉ gây rủi ro về uy tín cho Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại quốc tế và làm suy yếu năng lực của lực lượng lao động tương lai của đất nước, mà còn làm xói mòn quyền của trẻ em và gia tăng tình trạng nghèo đói theo chu kỳ.

“Buổi ra mắt hôm nay thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai”, bà Bharati Pflug nhấn mạnh.

Còn theo bà Angie Peltzer - Cục Lao động quốc tế (Bộ Lao động Hoa Kỳ) - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, thay đổi cuộc sống trẻ em và phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em như sửa Bộ luật lao động 2019, điều tra quốc gia lần thứ 2 về trẻ em, hàng nghìn trẻ em không còn phải lao động khi chưa đủ tuổi…Chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em góp phần quan trọng trong phục hồi kinh tế đất nước sau COVID-19.

Dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, bà Nguyễn Thị Hà đề nghị: Các bộ ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức quốc tế chủ động triển khai xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn để làm tốt hơn công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em theo trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68, số 126; lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025), các kế hoạch, đề án của bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian tới, Tổ chức Lao động quốc tế ILO cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và đối tác xã hội giải quyết vấn đề, loại bỏ trẻ em trong các chuỗi cung ứng để duy trì tiêu chuẩn quốc tế.

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Trong công tác truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, mục tiêu đặt ra là 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập
Lên đầu trang

Share Page

Facebook Twitter Google Pinterest Text Email