Thông qua 12 đề xuất sáng kiến hợp tác kinh tế ưu tiên của Việt Nam
Cập nhật: 10/03/2020
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
VOV.VN -Các Bộ trưởng Kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua 12/13 đề xuất sáng kiến hợp tác kinh tế ưu tiên của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM hẹp) lần thứ 26 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, hôm nay(10/ 3), các Bộ trưởng Kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức nhóm họp tại Đà Nẵng. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị. Hội nghị đã thông qua 12/13 đề xuất sáng kiến hợp tác kinh tế ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Đây là hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng phụ trách kinh tế đầu tiên trong năm, là dịp quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN trao đổi, thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020, hướng tới hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Quang cảnh khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26. |
Với sáng kiến còn lại liên quan đến giảm cước chuyển vùng quốc tế, các Bộ trưởng cũng thông qua, đồng thời giao các cơ quan chuyên môn làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trước khi có thể triển khai chính thức.
Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào các lĩnh vực như: thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo… được xây dựng theo 3 định hướng gồm: Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Việc thông qua các sáng kiến ưu tiên này là một kết quả quan trọng giúp khẳng định vai trò của ASEAN hướng tới củng cố khối đoàn kết khu vực, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời chủ động ứng phó trước với các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằmduy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là vấn đề an ninh lương thực.
“Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy, cả thế giới và ASEAN nói riêng đều cần tiếp tục quan tâm đến câu chuyện an ninh lương thực. Trong nội dung tuyên bố lần này của Bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng đã đặt ra mục tiêu cho những bất ngờ khác vì ASEAN là khu vực kinh tế nông nghiệp đang phát triển. Chúng ta có điều kiện để tăng cường hơn nữa những chuỗi giá trị, giá trị gia tăng, đồng thời đảm bảo được an ninh lương thực. Các nước ASEAN vừa là các nước xuất khẩu và cũng là những khách hàng lớn trong vấn đề lương thực, thực phẩm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị. |
Bên cạnh các sáng kiến ưu tiên theo đề xuất của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị cũng đã rà soát và thống nhất các ưu tiên trong chương trình làm việc thường niên năm 2020 trong kênh kinh tế.
Danh sách này bao gồm 62 nội dung khác nhau thuộc phụ trách củaHội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp thuộc các lĩnh vực hàng hóa gồm: thương mại hàng hóa, thuận lợi hóa thương mại, cơ chế một cửa ASEAN, tiêu chuẩn; thương mại dịch vụ; môi trường đầu tư; thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh; chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ; thông lệ tốt; thương mại điện tử; ASEAN toàn cầu; số liệu thống kê.
Ngoài ưu tiên thảo luận về hợp tác nội khối, Hội nghị lần này cũng thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hợp tác ngoại khối. Cụ thể, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp đã thảo luận định hướng hợp tác liên quan đến một số đối tác cần sớm có định hướng mới như: thời điểm khởi động rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, hợp tác với Hàn Quốc...
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua 6 khuyến nghị của Hội nghị Nhóm đặc trách cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 được tổ chức từ ngày 12 – 13/2 vừa qua tại Hà Nội. Trong đó, đáng lưu ý là việc nhất trí chỉ đạo các Nhóm công tác chuyên ngành đóng góp tích cực vào quá trình rà soát giữa kỳ kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, hướng đến hoàn thành bản báo cáo sơ bộ cuối năm nay và bản cuối cùng vào đầu năm 2021….
Tổng Thư ký ASEANLim Jock Hoi tin tưởng rằng: “ASEAN cùng với các đối tác đang hết sức nỗ lực cho dù chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Tôi cho rằng, đây là một phần rất quan trọng trong cuộc họp cấp cao năm nay. Các nhà lãnh đạo đã đưa ra mục tiêu là chúng ta phải ký vào năm 2020. Hy vọng rằng với tất cả công tác chuẩn bị, chúng ta sẽ hoàn thiện, kể cả trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid-19 thì chúng ta cũng có thể hoàn tất vào tháng 5, để chuẩn bị cho quy trình ký kếtRCEPvào cuối năm nay”.
Ngoài ra, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần này đã diễn ra Phiên tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN nhằm lắng nghe, trao đổi quan điểm với khu vực tư nhân để ASEAN xây dựng chính sách một cách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ghi nhận sự cần thiết để thiết lập một nền tảng hợp tác công - tư tích hợp kỹ thuật số cho ASEAN, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chuyển đổi số. Nhờ đó, các doanh nghiệp ASEAN sẽ có cơ hội cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác, cũng như tạo điều kiện cho việc chuyển đổi môi trường doanh nghiệp kỹ thuật số mới./.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26
Từ khóa: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp, sáng kiến hợp tác kinh tế ưu tiên của Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2020, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN