Thế giới văn minh ứng xử với cây thế nào?
Cập nhật: 25/09/2019
Từ làng nghề nón ngựa Phú Gia đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bình Định khánh thành cụm biểu tượng linh vật năm Ất Tỵ 2025
VOV.VN - Thế giới văn minh nhận thức rằng, cây cối là một bộ phận của cơ thể sống trên hành tinh, một bộ phận cơ thể sống ảnh hưởng tới đời sống con người.
Nước Đức quy định, luật pháp, những cây cối dù anh trồng trên vườn nhà anh, nếu đường kính trên 50 cm, khi muốn chặt hạ do những lí do nào đó phải có giấy phép của Ban quản lí trật tự đô thị khu phố quận, huyện.
Ở Đức, tôi 2 lần bị phạt mỗi lần 80 eur vì tội lùi xe chạm nhẹ vào cây trên vỉa hè. Công an gửi giấy báo và đương sự có người làm chứng ( anzeuger) phát giác hành vi trên phải lập tức nộp phạt.
Cây sưa tại Hà Nội được đưa đi không rõ lý do. |
Người ta, thế giới văn minh nhận thức rằng, cây cối là một bộ phận của cơ thể sống trên hành tinh, một bộ phận cơ thể sống ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng người và vật, là công dân phải có trách nhiệm bảo vệ nó.
Năm 1996 tôi sinh con, ngụ tại 1 A phố G.Scholl strasse.Trước trái cửa ra vào cầu thang 1 có một cây mận.Cây mận cổ thụ trồng từ năm 1960 khi xây ngôi nhà nên năm 1996 đã cao tới tầng tư tôi ở.
Ở ban công nhìn ra, tháng Ba hoa mận nở từng chùm trắng tinh, con tôi có thể hái mận vào mỗi khi tháng Sáu, mận từng chùm tím xẫm, ngọt lịm, ròn tan. Nhưng người Đức ít có ai hái mận, lê, táo dọc đường, khi xe cộ phun khói nhiều, họ sợ mận không sạch. Vì thế mùa mận tới, chín rụng rơi đầy vỉa hè, ngày ngày công nhân vệ sinh phải quét dọn.
Ngay ở căn hộ tầng một, có một người Đức già trên 70 tuổi, từng tham gia lái tầu ngầm của Hitle và bị quân Anh bắt, giam ở Anh 2 năm. Anh ta trở về Đức một chân khập khiễng bị thương và hay có thái độ xấu với gia đình tôi, vì anh thuộc thành phần nazit ( chống người nước ngoài).
Một ngày cuối tháng Sáu hơi mưa, ra cổng anh bị trượt ngã vì mận rơi trơn nát đầy trên vỉa hè.
Từ viện sau hai tuần về, anh làm đơn kiện thành phố: Một là công nhân ko dọn sạch vỉa hè để anh bị ngã, hai là anh đòi chặt cây mận.
Chỉ ba ngày sau, đại diện thành phố tới xem xét và ra thông báo, dán ngay cầu thang, lấy ý kiến toàncư dân cầu thang 1A, rằng có chặt cây mận cho cầu thang 1A không.
Tôi không ưa người hàng xóm này và rất thích cây mận, nhưng khi hắn lên xin chữ kí, tôi đã đồng ý kí vào biên bản để 100% cư dân cầu thang cho phép thành phố chặt cây. Tôi ghi thêm, hạ xong cây mận, phải có cây khác thay thế.
Chuyện quan hệ giữa cá nhân tôi và ông hàng xóm này có thể là 1 truyện ngắn. Ta hãy quay lại việc cái cây mận.
Nửa tuần sau, 1 cái xe lớn đến và ba công nhân hạ cậy. Chỉ sau hai, ba giờ gì đó, cây bị hạ, bứng lên cả phần gốc và ngay sớm hôm sau lại tốp công nhân đến mang một cây khác không ra quả đã được trồng đúng vào vị trí cũ.
Nay khi về đó lần cuối, cái cây thay thế năm ấy, đã mọc cao lớn che cho sườn nhà chúng tôi đã từng ở.
Người Việt ta ứng xử với cây cối ra sao?
Đa số người Việt hiện nay vẫn đinh ninh rằng: Tôi trồng cây ra ở vườn tôi, muốn chặt là cứ chặt, không phải xin phép ai cả.
Một số cư dân Hà Nội đã bức tử cây của thành phố trồng trước nhà họ, bằng tro, xỉ than nóng, dao, muối, a xít...cho cây dứt khoát phải chết, để thoáng mặt tiền riêng họ buôn bán; có nhà đã tự ý xây xi măng, gạch, chèn bịt hết đất thở cho cây trên hè phố để lấy chỗ rộng hơn bán hàng...
Cấp Thành phố thì trong lịch sử gần, họ đã hạ hàng trăm cây cổ thụ, không thèm xin phép cư dân thành phố gây bất bình không nhẹ với nhân dân cả nước.
Nay lại vụ cây sưa.
Cây sưa, chỉ một cây thôi nhưng hàm ý về triết lí sống chung giữa cây với người. Nhất là khi Hà Nội đang đối diện với nguy cơ không khí ngày càng ô nhiễm.
Vậy Cây sưa có nguy cơ làm con người ở quanh nó bị đe dọa đến nguy hiểm không? Việc hạ nó cán bộ tổ dân phố có biết không hay cứ quyền ông, ông chặt. Thành phố nên quan tâm việc này và giáo dục lại cho các lãnh đạo hiểu rõ, đạo lí trồng cây mà Bác Hồ từng chỉ ra.
Hãy thay đổi quan niệm cũ lạc hậu để phải coi cây cối là một bộ phận văn hoá, sinh thể của Hà Nội này mà giữ gìn và bảo vệ nó. Chặt một cây chỉ cần 1 vài giờ, trồng 1 cây cho Hà Nội đẹp, ai ai cũng được thụ hưởng môi trường trong sạch cần đến chục năm, vài chục năm.
Sâu xa hơn, tiêu diệt cây khi tình cảm con người ta với đâu chỉ là cây "Hạ xuống rồi hàng cây tình tự" (1) là đâm chết mòn một góc tâm hồn Hà Nội (ý thơ Phạm Tiến Duật)./.
Từ khóa: thế giới văn minh, chặt cây, ứng xử với cây, chặt cây sưa
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN