Taliban rất khó tiêu diệt tận gốc mầm khủng bố IS tại Afghanistan
Cập nhật: 12/10/2021
Ba Lan chuẩn bị cho đàm phán quan trọng của Tam giác Weimar+ về Ukraine
Sau Venice, Italia giới hạn lượng khách tham quan di tích “Thành cổ La Mã” (17/11/2024)
VOV.VN - Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm quyền tại quốc gia này, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đe dọa sẽ gây ra một làn sóng bạo lực mới.
Theo một thỏa thuận với Mỹ năm 2020, Taliban cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành “thiên đường trú ẩn” của các nhóm khủng bố muốn tấn công Mỹ và đồng minh. Việc kiềm chế các tay súng IS được cho là một trong những nỗ lực hiện thực hóa cam kết đó.
Nhưng không rõ, liệu Taliban có giữ được cam kết lâu dài hay không khi IS liên tiếp gia tăng các cuộc tấn công khủng bố tại Afghanistan kể từ ngày 15/8. IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công đẫm máu ở thủ đô Kabul, các tỉnh phía Đông và phía Bắc nước này, trong khi thực hiện một số cuộc tấn công lẻ tẻ nhằm vào các tay súng Taliban. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom liều chết tại tỉnh Kunduz, miền bắc Afghanistan hôm 8/10 khiến 46 tín đồ bên trong nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite thiệt mạng.
Nhà nghiên cứu Andrew Mines thuộc Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng: “Trong lịch sử, phần lớn các cuộc tấn công của IS đều nhằm vào lực lượng chính phủ. Giờ đây, khi Mỹ và các lực lượng quốc tế hầu như không còn sự hiện diện tại Afghanistan, mục tiêu của họ sẽ là chính quyền Taliban”.
Kẻ thù “không đội trời chung”
Cả Taliban và IS đều ủng hộ sự cai trị bằng luật Hồi giáo, nhưng sự khác biệt chính về hệ tư tưởng khiến hai bên trở thành kẻ thù của nhau. Taliban nói rằng họ muốn tạo ra một nhà nước Hồi giáo nằm gọn trong biên giới Afghnistan. Trái lại, IS muốn thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” rộng lớn mà cả thế giới Hồi giáo phải quy phục.
Trong khi Taliban giới hạn các cuộc chiến bên trong lãnh thổ Afghanistan thì IS tiến hành các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới chống lại những người không theo đạo Hồi. Tư tưởng của IS trái ngược với các mục tiêu dân tộc chủ nghĩa của Taliban. Vì những lý do tương tự, IS từ lâu cũng trở thành kẻ thù truyền kiếp của al-Qaeda.
IS gây khiếp sợ với những hành vi tàn bạo khi chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq năm 2014. Tổ chức khủng bố này nổi lên tại Afghanistan vào năm 2015 với tên gọi Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (hay IS-K). IS-K đã thu hút nhiều phiến quân từ Afghanistan và Pakistan, trong đó có cả những đối tượng rời bỏ hàng ngũ của Taliban.
IS-K ban đầu nhận được sự ủng hộ của Phong trào Hồi giáo cực đoan Salafi ở các tỉnh Kunar và Nangarhar, phía Đông Afghanistan. Sau khi bị Taliban gạt ra ngoài lề, việc liên kết với IS đã giúp Phong trào Salafi tìm ra cách thức để tăng cường sức mạnh. Nhưng sau đó nhiều giáo sỹ Salafi đã lên tiếng phản đối những hành vi tàn bạo của IS-K.
IS không phải là mối đe dọa nhất thời
Taliban từng đánh giá thấp khả năng của IS và cho rằng đây là một nhóm khủng bố ngoài lề không có sức ảnh hưởng. Tuy vậy, các mối đe dọa từ IS là không thể phủ nhận và điều này được chứng minh qua hai vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Kabul, trong đó có một vụ đánh bom bên ngoài sân bay quốc tế vào thời điểm Mỹ rút quân, khiến 169 người Afghanistan và 13 binh sỹ Mỹ thiệt mạng.
Ibraheem Bahiss, chuyên gia tư vấn của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) cho rằng: “Cường độ và quy mô của các cuộc tấn công đã khiến Taliban bất ngờ. Điều này chứng tỏ IS không phải là mối đe dọa nhất thời”.
Mục đích trước mắt của IS là gây bất ổn tại Afghanistan, phá vỡ hình ảnh của Taliban như một lực lượng đảm bảo hòa bình và an ninh cho quốc gia này. Hiện tại, chiến lược của IS được thực hiện rất chậm rãi và bài bản. Nhóm khủng bố này đang tiếp cận với các nhóm phiến quân để tuyển mộ thành viên, gây chia rẽ trong nội bộ phong trào Salafi, thực hiện các cuộc vượt ngục, ám sát và tấn công thành viên của Taliban.
“Tóm lại, đây là những chiến thuật nổi dậy mà Taliban rất khó đối phó”, nhà nghiên cứu Andrew Mines lưu ý.
Trái lại, nhà phân tích Bill Roggio của tạp chí Long War Journal (Mỹ) cho rằng, Taliban có thể đánh bại IS ngay cả khi không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Theo ông Bill Roggio, Taliban đã cho thấy họ có khả năng tiêu diệt tận gốc nhóm khủng bố IS bằng cách sử dụng mạng lưới thu thập thông tin tình báo rộng lớn trải dài từ trung ương đến địa phương. Đây cũng lý do khiến Taliban đã từ chối hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống IS khi hai bên đàm phán trực tiếp vào cuối tuần qua. Nhà phân tích này này lưu ý, không giống Taliban, IS không có quyền tiếp cận với những nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan và Iran. Điều này khiến IS dễ bị cô lập và bị đánh bại khi hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.
Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8, một trong những phép thử quan trọng đối với Taliban là liệu lực lượng này có thể bảo vệ các nhóm thiểu số hay không.
IS-K là một nhóm cực đoan theo dòng Hồi giáo Sunni, mang tư tưởng muốn loại bỏ những người Hồi giáo Shiite Hazara thiểu số tại Afghanistan. Chính vì thế nhóm khủng bố này thường xuyên nhằm mục tiêu tấn công vào người Hazara mà chúng gọi là “cuộc chiến chống dị giáo”.
Sau vụ tấn công vào nhà thờ Hồi giáo Shiite tại tỉnh Kunduz, Taliban đã thể hiện là một chính quyền có trách nhiệm khi nhanh chóng cử các lực lượng đặc biệt đến hiện trường, mở các cuộc điều tra, đưa ra cam kết sẽ bảo vệ “những người anh em” thiểu số. Đây là một bước đi thiết thực nhằm thuyết phục cộng đồng quốc tế công nhận chính quyền mới của họ tại Afghanistan./.
Từ khóa: Taliban, Afghanistan, khủng bố IS, tổ chức Nhà nước Hồi giáo, khủng bố IS-K, đánh bom liều chết, tấn công khủng bố, luật Hồi giáo
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN