Những “thương vụ bạc tỷ” của Nga từ các hợp đồng vũ khí ở Trung Đông
Cập nhật: 20/11/2019
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nga đang tìm cách tăng cường mối quan hệ quốc phòng ở Trung Đông nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này thông qua những hợp đồng buôn bán vũ khí.
Hơn 1.200 công ty từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt Triển lãm Hàng không Dubai "chào hàng" những công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến nhất từ ngày 17-21/11. Gần 30 công ty Nga đã tham gia sự kiện này với những nỗ lực nhằm "ghi điểm" với các khách hàng tiềm năng, đặc biệt là với nước chủ nhà là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga tại căn cứ quân sự Al-Hmaymim nằm ở đông nam thành phố Latakia, Syria ngày 26/9/2019. Ảnh: AFP |
Theo Tass - hãng thông tấn nhà nước của Nga, trong số các cuộc trao đổi, Nga và UAE đang thảo luận về một hợp đồng mà theo đó Moscow sẽ cung cấp cho nước này máy bay trinh sát Orion-E MALE, các trực thăng MiG Mi-38 và các chiến đấu cơ thế hệ "5++" Su-35. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cân nhắc đến việc mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga trong bối cảnh Ankara vừa nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 từ Moscow.
Giữa lúc vũ khí Nga đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết thì Mỹ nỗ lực ngăn cản những khách hàng của Moscow bằng các lệnh trừng phạt. Tại Triển lãm Hàng không Dubai, sau khi Ai Cập thể hiện sự hứng thú với chiến đấu cơ Su-35 của Nga, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự Clark Cooper cảnh báo, Cairo có thể sẽ phải chịu trừng phạt nếu quyết định mua máy bay chiến đấu của Moscow.
Trong khi Ấn Độ cũng ký hợp đồng mua S-400 của Nga thì chỉ Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt khi tiếp nhận hệ thống này, cùng với các bộ phận của Su-35. Các lệnh trừng phạt này được đưa ra là kết quả của Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) khi Mỹ liệt Nga, Iran và Triều Tiên vào "danh sách đen".
Dù vậy, sau 2 năm thông qua đạo luật này, Moscow vẫn tiếp tục thiết lập các mối quan hệ quốc phòng mới và củng cố những quan hệ sẵn có với các nước khác. Ngoài các thỏa thuận hàng không vũ trụ gần đây, phía Nga cho biết hôm 18/11 rằng nước này đã hoàn tất giai đoạn của việc chuyển giao T-90 cho Iraq - một quốc gia cũng có quan hệ thân thiết về an ninh với Mỹ.
Phát biểu tại sự kiện ở Dubai, CEO tập đoàn Rostec Sergei Chemezov cho biết ngày 17/11 rằng, Bộ Quốc phòng Nga kỳ vọng sẽ thu về khoảng 13,5 - 13,7 tỷ USD doanh thu xuất khẩu vũ khí vào cuối năm nay, trong khi hiện nước này đã thu về được 11 tỷ USD. Ông Chemezov cũng cho biết bất chấp Đạo luật trừng phạt CAATSA của Mỹ, Nga vẫn đạt được doanh thu kỷ lục năm 2018 trong việc xuất khẩu công nghệ quân sự và "năm nay, chúng tôi thậm chí sẽ đạt mức cao hơn, hoặc ít nhất là sẽ không thấp hơn".
Cho tới nay, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Trong khi Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Nga đã bán khoảng 6,4 tỷ USD các loại vũ khí năm 2018 thì Mỹ bán được khoảng 10,5 tỷ USD, hầu hết trong số này là được phân phối tới các nước Trung Đông - một khu vực mà Nga đang gia tăng ảnh hưởng và ngày càng được coi là một "nhà ngoại giao" hàng đầu tại đây.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trung đã kêu gọi chấm dứt "những cuộc chiến tranh bất tận" ở Trung Đông và ngoài khu vực này, song Lầu Năm Góc vẫn duy trì hàng nghìn binh lính tại Qatar, Kuwait, Iraq, UAE và Jordan. Tổng thống Trump cũng tăng cường triển khai quân đội tới Saudi Arabia để đối phó với Iran và bất chấp tuyên bố sẽ rút quân khỏi phía bắc Syria, ông Trump đã cử thêm lực lượng tới phía đông nước này để bảo vệ các mỏ dầu.
Với sự ủng hộ của Damascus và Tehran, Moscow đã kêu gọi Lầu Năm Góc rút toàn bộ quân khỏi Syria, đồng thời khẳng định sự hiện diện của Washington ở khu vực này là bất hợp pháp. Xuyên suốt chiến dịch của Nga ở Syria, có thể thấy nước này luôn duy trì liên lạc với gần như mọi nhân tố tại đây và giành được ưu thế về ngoại giao trước Mỹ.
Việc rút quân của Mỹ diễn ra sau khi đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tấn công đông bắc Syria. Kể từ đó, các lực lượng của Nga được cho là đã kiểm soát các tiền đồn bị Mỹ bỏ lại và có vai trò như một "trọng tài" giữa chính phủ Syria, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chủ yếu do người Kurd lãnh đạo và Thổ Nhĩ Kỳ khi bạo lực leo thang tại quốc gia Trung Đông này.
Dù vậy, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ nhận định cho rằng Moscow đang tìm cách thay thế Washington để trở thành "cảnh sát" Trung Đông, đồng thời cũng từ chối đổ lỗi những cuộc khủng hoảng ở Iraq, Libya và Syria hoàn toàn là do phương Tây gây ra./.
Trung Đông mua vũ khí của Nga: Mỹ đang bị đồng minh “qua mặt”?
Từ khóa: vũ khí Nga, thương vụ bạc tỷ, hợp đồng vũ khí Trung Đông, chiến đấu cơ của Nga, Mỹ trừng phạt Nga
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN