Người có uy tín trong đồng bào dân tộc tích cực đóng góp cho xã hội

Cập nhật: 24/04/2020

VOV.VN - Phần lớn người có uy tín trong đồng bào dân tộc có cách làm hay trong phát triển kinh tế, thu nhập chính đáng và vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác giảm nghèo của tỉnh này đạt được kết quả tích cực; đời sống của người dân trên địa bàn toàn tỉnh từng bước được cải thiện… Có được kết quả này một phần nhờ có sự đóng góp tích của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn.

nguoi co uy tin trong dong bao dan toc tich cuc dong gop cho xa hoi hinh 1
Tuyến đường bê tông giao thông nông thôn về ấp Trà Cú A, huyện Kim Sơn, Trà Cú, Trà Vinh, do Hội Nông dân vận động người dân hiến đất để xây dựng. (ảnh: Nongnghiep.vn)

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 400 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, với đủ thành phần tôn giáo, nông dân, lão thành... Đồng thời xác định rõ mức độ và phạm vi ảnh hưởng của từng thành phần để phân công, phân cấp và phối hợp thực hiện tốt các cơ chế chính sách.

Phần lớn người có uy tín trong đồng bào dân tộc có cách làm hay trong phát triển kinh tế, thu nhập chính đáng và vượt khó vươn lên trong cuộc sống, sau khi được bình chọn và qua công tác vận động lực lượng người có uy tín trong tỉnh rất tích cực tham hoạt động ở địa phương; giáo dục con em trong cộng đồng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của nhà nước; các phong trào thi đua yêu nước…Đặc biệt họ là cầu nối hữu hiệu giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với đồng bào dân tộc.

Điển hình như ông Thạch Nụm ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè dù tuổi đã ngoài 60 mà ngày ngày vẫn đi vận động sửa đường, cất trường, kêu gọi bà con đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Ông nhận ra rằng, nguyên nhân cái nghèo của bà con Khmer trong ấp là do thiếu học vấn, giao thông cách trở. Từ đó dù đi lại rất khó khăn, nhưng 18 năm nay ông đã vận động được đất xây dựng 7 phòng học; vận động người dân đối ứng xây dựng gần 14km đường giao thông nông thôn.

Có đường bê tông, ông chuyển sang xóa cầu khỉ và kết quả là bà con trong ấp đóng góp trên 200 triệu đồng, hàng ngàn ngày công lao động để bắt mới 23 cây cầu bê tông nhỏ.

"Bác Hồ dạy là vì dân vì nước, giữ được sự đoàn kết, được nhân dân tín nhiệm, tin cậy, có thể bản thân làm được cái gì đó rồi thể hiện cho mọi người thấy, để mọi người làm theo. Cứ làm rồi có kinh nghiệm, làm sau thì tốt hơn trước”- ông Thạch Nụm chia sẻ.

Còn tại ấp Đại Trường xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cũng có đồng bào Khmer chiếm đến 98%. Với vai trò, uy tín trong đồng bào Khmer, sư cả Thạch Thưa chủ trì chùa Đại Trường luôn tích cực cùng chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong cộng đồng; đi đầu trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Đặc biệt 3 năm trở lại đây, sư cả Thạch Thưa đã tuyên truyền, cảm hóa giáo dục được 34 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật sửa đổi, sống hòa thuận với mọi người. Ngoài ra sư cả còn phối hợp với đoàn thể hòa giải thành công 3 trường hợp mâu thuẫn kéo dài trong thân tộc; cảm hóa 5 đối tượng thường xuyên gây rối trật tự công cộng, trộm cắp sửa đổi hoàn lương bằng cách tác động từ nhiều phía, tuyên truyền giáo dục họ hiểu về pháp luật.

Những việc làm này không chỉ giúp mọi người có cuộc sống yên vui mà còn góp phần giải quyết bài toán khó tiêu chí An ninh, trật tự xã hội, giúp xã Phú Cần về đích sớm hơn.

"Bà con Khmer rất hạn chế về kiến thức pháp luật nhưng về đạo bà con rất thông. Vì vậy trước khi phổ biến pháp luật cho bà con, sư vận dụng những giáo lý tương đồng nói trước khi nào hiểu mới lồng ghép pháp luật vào. Mỗi lần có dịp tập trung đông đảo phật tử, sư luôn giải thích cho bà con hiểu thế nào là ấp văn hóa, gia đình văn hóa kết hợp giữa luật pháp với giáo điều khi nào bà con thông sư mới vận động, hòa giải, thuyết phục đối tượng, gia đình đang xảy ra mâu thuẫn”- sư cả Thạch Thưa cho biết.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, là người có uy tín trong cộng đồng, hơn 10 năm qua, ông Thạch Em luôn đau đáu trong lòng nỗi lo cho người nghèo, thương những mảnh đời cơ nhỡ. ‘‘Nói đi đôi với làm’’,ông bắt đầu lập ra kế hoạch và đề xuất với cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã Hòa Tân thành lập nhiều mô hình tương trợ trong cộng đồng và xông xáo vận động người dân cùng tham gia.

Dù rất bận rộn, nhà có gần chục công chanh không hạt và dừa sáp, làm dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế đám tiệc…nhưng ông Thạch Em vẫn dành thời gian cho công tác từ thiện, cho hội Chữ thập đỏ. Bởi theo ông dù mất một ít thời gian, nhưng bù lại ông lại tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ở công việc này.

Trong công tác xã hội thì công tác từ thiện là quan trọng nhất đối với ông. Nhiều hộ sống trong hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ mất khả năng lao động, neo đơn, bệnh tật…Với số tiền giúp đỡ bà con không đáng là bao nhưng nó có thể giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn.

Từ hoạt động thực tiễn cho thấy, những nơi nào, địa phương nào làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền với người có uy tín thì nơi đó luôn nhận được đồng thuận cao từ phía nhân dân. Vì vậy, vị trí, vai trò của người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước và ngày nay trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị./.

Từ khóa: Trà Vinh, đồng bào Khmer, hiến đất, đồng bào dân tộc

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập