Lớp 1 dạy học online - đừng để giáo viên tự bơi

Cập nhật: 25/08/2021

[VOV2] - Khi trẻ mới rời môi trường mầm non lên tiểu học, tối ưu nhất vẫn là học trực tiếp. Tuy nhiên, dịch bệnh bất khả kháng, đành chấp nhận việc học online với học sinh lớp 1 như là biện pháp đối phó tạm thời nhưng cần có những giải pháp...

Băn khoăn học trực tuyến lớp 1

Biết tin con sẽ phải học trực tuyến khi vào lớp 1, chị Anh Thư ở quận Tây Hồ, Hà Nội cảm thấy rối bời. La cà nhiều group phụ huynh trên mạng xã hội, chị Thư thấy hóa ra nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng chung mối bận tâm.

Lứa tuổi mầm non lên tiểu học chuyển từ trạng thái chủ đạo là vui chơi sang học tập mà không có giáo viên kèm cặp trực tiếp thì làm thế nào để con quen cách cầm bút, viết đúng vở ô li, ngồi đúng tư thế? Chưa kể “nhiều phụ huynh không thành thạo công nghệ, hỏi nhau rất nhiều thứ, họ rất lo lắng và căng thẳng không biết sử dụng máy móc, camera như thế nào khi tới đây con học online”.

Trong nhiều group kín, các phụ huynh cũng “kêu trời” vì đã lỡ gửi con về quê tránh dịch. Nay, cả thành phố giãn cách xã hội, không thể đưa con trở về phố. Các cháu ở quê còn không có internet, chưa kể  ông bà “nói không” với internet, zoom, zalo thì học trực tuyến kiểu gì?

Dịch Covid-19 kéo dài, chị Hoàng Thu Huyền ở Đống Đa, Hà Nội đã chuẩn bị tâm thế việc con sẽ phải học trực tuyến ngay từ khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên, điều mà chị Huyền lo lắng là cả 2 vợ chồng làm ngân hàng đều bận rộn cả ngày nên chỉ có thể kèm con học vào buổi tối. “Ban ngày, bố mẹ đều đi làm. Hy vọng là nhà trường tạo điều kiện cho học vào buổi tối để bố mẹ có thời gian ngồi kèm cặp, quản lý con”, chị Huyền chia sẻ.

Gia đình chị Anh Thư và chị Huyền đều ở thành phố với điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng nhiều gia đình ở ngoại thành, chưa trang bị máy tính, mạng internet, đó là chưa kể phụ huynh cũng khó mà dạy con khi chương trình mới hiện khác trước rất nhiều, chị Tạ Lan Anh ở Hà Đông, Hà Nội ái ngại. Chị cho rằng, với học sinh từ lớp 2 trở lên có thể tổ chức dạy học trực tuyến nhưng học sinh mới từ mầm non lên lớp 1 thì chưa nên cho học online.

Dịch bệnh cũng không thể dừng học mãi

Đến nay, Trường Marie Curie là trường ngoài công lập hiếm hoi chưa cho học sinh tựu trường. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho biết, trong tháng 8 nhà trường sẽ không tổ chức dạy học kể cả học trực tuyến. Thế nhưng, nếu sang tháng 9 mà dịch bệnh vẫn phức tạp thì trường buộc phải tổ chức dạy học online, trong đó có cả HS lớp 1. Song, để nói về tính hiệu quả thầy Khang còn nhiều băn khoăn.

Lớp 1 thay SGK mới, chương trình mới mọi thứ phức tạp, trẻ con từ mẫu giáo lên mà phải dạy học online thì cực kỳ khó. Ngay giữa thủ đô Hà Nội, các quận trung tâm cứ cho là phương tiện kỹ thuật bố mẹ trang bị đầy đủ nhưng ở tuổi đó các em chưa biết gì, cần có sự trợ giúp của bố mẹ.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 cần có những bước đệm. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh phải kết nối chặt chẽ. “Trước tiên giáo viên cần tập huấn cho phụ huynh thành thạo cách dùng mạng, sử dụng phần mềm ra sao. Khi đã quen, từ nội dung giáo viên hướng dẫn, các con nghe còn thao tác kỹ thuật bố mẹ làm hết”.

Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội đã lên phương án dành 2 tuần sau khai giảng năm học mới để giáo viên hướng dẫn HS cách cầm bút, cách viết và tập đọc. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, hiệu trường nhà trường cho biết, với phần viết giáo viên sẽ phải quay các clip, hướng dẫn cụ thể, sau mỗi tiết dạy. Giáo viên sẽ gửi clip hướng dẫn cách tập viết gửi vào nhóm zalo lớp để phụ huynh xem và hướng dẫn con tự viết”.

Trong khi nhiều trường học, địa phương đã lên kế hoạch dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 thì cũng còn nhiều trường học, địa phương vẫn lấn cấn, một phần vì độ tuổi làm quen với học online, phần khác do cơ sở vật chất để học trực tuyến chưa đảm bảo. Nhiều ý kiến cho rằng với HS lớp 1 nên lùi thời gian học, chờ khi hết dịch sẽ đi học trực tiếp.

Chia sẻ về phương án cho năm học mới, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết, nếu học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì các nhà trường sẽ xây dựng phương án dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, ông khẳng định học sinh mầm non, lớp 1, lớp 2 sẽ chưa triển khai hình thức này.

Trước băn khoăn về dạy học lớp 1 bằng phương thức trực tuyến, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng, khi trẻ mới rời môi trường mầm non lên tiểu học, để làm quen với những kỹ năng học trong nhà trường, phân biệt giờ học - giờ chơi, lắng nghe, tập trung, viết bài, phát biểu…thì tối ưu nhất vẫn là học trực tiếp. Tuy nhiên dịch bệnh là bất khả kháng, đành chấp nhận việc học online với học sinh lớp 1 như là biện pháp đối phó tạm thời nhưng cần có những giải pháp. Hơn nữa, giáo dục có phân quyền, phân cấp nhất định, do đó quyền chủ động thuộc về từng nhà trường, từng địa phương để đưa ra những phương án xử lý khác nhau.

“Cá nhân tôi nghĩ, nếu có điều kiện liệu có thể hỗ trợ các gia đình như thế nào, với những cụm gia đình gần nhau, thầy cô giáo gần đó, đảm bảo an toàn về mặt dịch tễ có thể cử 1-2 thầy cô giáo đến hỗ trợ gia đình. Bởi, chúng ta đang rơi vào tình thế không ai giống ai, không thể có 1 phương án giải quyết cho tất cả mọi người.

Nếu như dịch bệnh kéo dài học sinh cứ nghỉ, không có hoạt động nào hỗ trợ mà bỏ lỡ cơ hội thì rất đáng tiếc. Học sinh lớp 1 cũng đang mong được đến trường hoặc không đến trường thật thì cũng được nhìn các bạn qua màn hình nhưng phải đảm bảo thời gian ngắn gọn để các em vẫn giữ được sự háo hức khi đến trường chứ đừng để thời gian học kéo dài lê thê, các em vừa mệt mỏi vừa mất động lực học tập”, TS Thụy Anh chia sẻ.

Giải pháp học online với học sinh lớp 1

Theo TS Nguyễn Thụy Anh, để lập tức thích nghi với phương pháp dạy và học online, cách thức tiến hành, thời lượng một buổi học phải khác, cách thiết kế bài giảng phải có đặc thù riêng.

Với các em lớp 1, lớp 2, chúng ta nên suy nghĩ trong kế hoạch dạy học chỗ nào tạm thời ngắt bớt, chỗ nào cần tập trung nhiều hơn ở thời điểm này. Lượng kiến thức có thể co lại một chút, chia nhỏ khoảng thời gian học trong ngày làm sao thời lượng vừa đủ để không khiến các em bị phụ thuộc vào công nghệ, cũng như mệt mỏi, căng thẳng.

TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng, các chuyên gia có thể đưa ra mô hình, 1 buổi học bao nhiêu phút?  Trước đây 35 phút giờ có thể co lại 20 phút với những bài khởi động thật tốt. Chỉ cần 3-5 phút nhưng những bài tập, điệu nhảy, vỗ tay, lắc cổ, vươn vai, nhún nhảy… khi được khởi động tốt thì học sinh lớp 1 sau đó có thể tập trung tốt trong vòng 10-15 phút. Bước tiếp theo, giáo viên ngay lập tức tận dụng thời điểm HS tập trung để trình bày nội dung.

"Riêng với lớp 1 cần lên hẳn phương án hỗ trợ giáo viên chứ không để các thầy cô giáo tự mày mò"-TS Nguyễn Thụy Anh.

Theo TS Thụy Anh, để tổ chức dạy học online cho lớp 1, ngoài chuyên môn giáo viên còn phải nắm bắt được kỹ thuật công nghệ thông tin. Điều này cần phải có sự tập huấn cho thầy cô.

Ngoài ra, thầy cô cần nghĩ thêm phương án, kịch bản khi dẫn dắt hoạt động học tập. Ở không gian gia đình các em có nhiều sự chi phối, mất tập trung. Do đó, thầy cô  có thể vào vai nhân vật nào đó lôi cuốn sự tập trung của các em vào câu chuyện của mình.

“Kỹ thuật lôi cuốn sự chú ý, tạo động lực khi các em tham gia lớp học là điều các thầy cô phải để  ý hoặc được tập huấn kỹ. Có bao nhiêu phương pháp, hôm nay vào vai 1 nhân vật nào đó, hôm sau sẽ đưa ra câu đố để các em suy nghĩ, hôm sau nữa thì có thể đưa ra 1 tình huống hoặc kể câu chuyện chen vào trong quá trình trình bày kiến thức mới”, TS Thụy Anh gợi ý.

Tương tác qua công nghệ nhưng không lệ thuộc vào công nghệ

TS Thụy Anh cho rằng sự hợp tác của phụ huynh rất quan trọng. Tài liệu để các em viết vẽ, tô màu, giáo viên cần gửi trước cho phụ huynh in sẵn.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, trình bày bài của giáo viên có thể thiết kế dưới nhiều hình thức đa dạng, lôi cuốn sự chú ý học sinh.  

“Chúng ta có thể có thêm những thư viện bài giảng được thiết kế sẵn hỗ trợ giáo viên. Xen kẽ tương tác với HS, thầy cô vẫn có những clip có độ dài 1-3 phút đưa ra tình huống, câu chuyện kể…Những clip ngắn chứa đựng nội dung kiến thức mới, thầy cô sau đó gửi cho phụ huynh. Phụ huynh có thể cùng HS xem lại ở những thời điểm khác nhau trong ngày chứ không nhất thiết suốt từ sáng tới chiều diễn ra các hoạt động học tập.

Theo TS Thụy Anh chúng ta đã có những tiết hoạt động giáo dục mới là trải nghiệm. Kết hợp với hoạt động trải nghiệm này nên thiết kế nhiều hơn những bài tập trải nghiệm cho từng môn học.

“Ví dụ học toán có thể xây dựng bài học để các em rời màn hình ra cùng bố mẹ, người thân lau bát đũa, đếm xem gia đình có bao nhiêu cái thìa, cái đũa… Tóm lại,  đưa cuộc sống vào môn học hay đưa kiến thức ra ngoài cuộc sống nhiều hơn để quá trình học tập, mặc dù vẫn tương tác thông qua công nghệ nhưng không bị lệ thuộc vào công nghệ, biến thử thách này trở thành cơ hội bố mẹ sát cánh cùng con, chia sẻ cùng con trong những bài học của học sinh lớp 1, 2. Nếu làm theo được cách đó hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu cần đạt của môn học, đồng thời tạo được cảm xúc cho học sinh với không gian gia đình”, TS Thụy Anh khẳng định.

Với việc học online, bố mẹ cũng cần thiết kế góc học tập có đủ ánh sáng làm sao không ảnh hưởng đến mắt, góc học tập này tương tự chỗ ngồi khi em trên lớp. Góc học tập online sẽ được thiết kế như không gian riêng, tùy điều kiện gia đình nhưng đảm bảo không để trẻ bị ảnh hưởng bởi đồ chơi, hoạt động sinh hoạt hằng ngày không ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.

Thời điểm này sẽ phải linh hoạt, mỗi nhà trường gia đình phải có cách hỗ trợ con mình vẫn tiếp cận kiến thức mới, vẫn coi như được chia sẻ với thầy cô bạn bè trong không gian học tập nhưng phải điều chỉnh cách đánh giá học sinh. TS. Thụy Anh cho rằng, học online với lớp 1, lớp 2  thì việc đánh giá kết quả học tập phải thay đổi để phù hợp hơn so với học trực tiếp. “Thầy cô phải xem xét đánh giá học sinh như thế nào để tạo động lực cho các con và không gây áp lực với gia đình về chuyện kiểm tra, thi cử”.

Từ khóa: học trực tuyến, học online, lớp 1, tương tác, công nghệ, TS Thụy Anh, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập