Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương lao đao vì Covid-19
Cập nhật: 10/03/2020
1.600 con heo chết cháy ở Gia Lai, thiệt hại 6,5 tỷ đồng
Thi công xuyên Tết, tăng tốc đưa các dự án cao tốc về đích năm 2025 (13/01/2025)
VOV.VN - Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều tiểu thương kinh doanh buôn bán tại các chợ ở Hà Nội rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều sạp hàng phải tạm đóng cửa.
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, do lo sợ dịch bệnh, nhiều người có tâm lý e ngại nên hạn chế đi ăn uống, mua sắm tại các trung tâm thương mại hay các chợ truyền thống. Điều này đã khiến nhiều quán hàng, khu chợ ở Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách, doanh thu sụt giảm.
Tại các chợ: Nghĩa Tân, Ngọc Hà, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Mơ... lượng hàng tiêu dùng, thực phẩm khá dồi dào và giá cả phải chăng nhưng khách đến mua lại rất thưa thớt, người bán nhiều hơn người mua.
Chị Nguyễn Thu Trang, một tiểu thương bán thịt tại chợ Hôm - Đức Viên cho biết, từ khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, lượng thịt chị bán ra mỗi ngày giảm tới một nửa so với trước đó. 3 ngày trở lại đây, khi xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội, quầy thịt của chị gần như trong tình trạng ế hàng. Chị Trang cho biết, những ngày tới đây, chị sẽ phải nhập hàng ít đi để giảm lượng hàng tồn.
Tại khu vực bán thực phẩm chợ Nghĩa Tân, người bán nhiều hơn người mua. |
Rơi vào tình cảnh tương tự, chị Đào Thu Minh, một tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Hà cho hay, nhiều ngày nay bán được rất ít hàng. Nếu như trước đây, mỗi ngày chị bán được khoảng 50kg rau các loại, thì nay chị chỉ có thể tiêu thụ được 20kg rau. Nhiều hôm ế hàng, chị bán với giá rẻ mà vẫn không có người mua. Mặc dù vậy, chị vẫn không thể nghỉ bán hàng, vì nếu nghỉ 1 ngày thì đồng nghĩa ngày đó chị không có thu nhập, khó khăn chồng chất khó khăn.
Không chỉ các quầy hàng thực phẩm vắng khách đến mua mà tại các quầy hàng gia dụng, quần áo, vải vóc các tiểu thương cũng “thở ngắn, thở dài” vì không bán được hàng.
Chị Trần Thu Hồng, một tiểu thương bán quần áo lâu năm tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ, có thâm niên bán quần áo hơn 30 năm tại chợ, chưa bao giờ quầy hàng của chị bị ế ẩm như hiện nay. Những ngày trước, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 20 bộ quần áo, váy thì hơn 1 tháng nay con số này rớt xuống thảm hại, có ngày chỉ bán được 1,2 bộ quần áo, có ngày không bán được bộ nào. Khi có khách đến mua, trả giá rẻ, lỗ vốn chị cũng bán, miễn là cầm được tiền.
Trước đây, một tháng doanh thu từ sạp quần áo của chị khoảng 10 triệu đồng thì hơn 1 tháng nay con số này là 0 đồng.
Đáng nói, nhiều sạp hàng tại chợ này đã tạm dừng đóng cửa vì không bán được hàng. Một số tiểu thương khác có tâm lý vẫn đi bán hàng cho vui, bán được đồng nào hay đồng ấy…
Hơn 1 tháng trở lại đây, quầy bán hàng quần áo của chị Trần Thu Hồng luôn trong tình trạng ế ẩm, vắng khách. |
Tình trạng của các cửa hàng bán quần áo thời trang trên các phố lớn cũng không khá hơn. Rất nhiều cửa hàng treo bảng giảm giá từ 50-70% nhưng vẫn không thể “hút” khách.
Chị Tạ Minh Trang, chủ một shop quần áo trên phố Cầu Giấy cho hay, hơn 1 tháng trở lại đây khách mua hàng giảm tới 2/3 so với thời gian trước Tết.
Hàng không bán được, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng. Chị Trang cho hay, nếu tình trạng này kéo dài, chị sẽ phải tạm thời cho nhân viên nghỉ việc, cửa hàng thì vẫn mở và bán cầm cự, chấp nhận chịu lỗ vốn một thời gian.
Không chỉ các cửa hàng, quầy bán trong chợ mà các quán ăn, cửa tiệm lớn cũng đang chịu cảnh lao đao, nhiều quán bán đồ ăn sáng như: xôi, phở, trà đá ven đường cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hàng quán phải cắt giảm lượng hàng so với mọi khi.
Đã quá trưa mà nhà hàng BBQ này vẫn không có một bóng khách. |
Chị Nguyễn Thủy, người bán xôi trên phố Đội Cấn cho biết, chị bán xôi gần 10 năm nay mà chưa bao giờ thấy vắng khách như bây giờ. Hơn 1 tháng có dịch, nhiều người ngại ra đường, không dám ăn quán hàng vì lo lây nhiễm bệnh.
Về phía người dân, chị Tố Uyên, nhân viên văn phòng cho biết, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, gia đình chị hạn chế đi mua sắm, ăn uống ngoài hàng quán và giảm tối đa các buổi tụ tập. Mỗi tuần chị đi siêu thị mua đồ ăn một lần và để dự trữ trong tủ lạnh. Thay vì ăn trưa ngoài hàng quán như trước đây, thì hiện giờ vợ chồng chị Uyên đều dậy sớm nấu cơm mang đi làm./.
Nhà hàng vắng tanh, chuyển bán online vì Covid-19
Từ khóa: kinh doanh ế ẩm, doanh thu sụt giảm, chợ truyền thống, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN