Du lịch Bình Thuận vượt khó thời dịch bệnh Covid-19
Cập nhật: 30/04/2020
Ra mắt trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”
Khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
VOV.VN -Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch cũng bắt đầu chuẩn bị đón khách thập phương.
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ hoạt động trở lại. Theo đó các cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch cũng bắt đầu chuẩn bị đón khách thập phương.
Góc vui chơi, tắm biển khu du lịch Mũi Né. |
Sau hơn một tháng tạm dừng hoạt động, nhiều ngày qua, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú Trường Ca Hotel của bà Trần Thị Bảo Trâm ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã hoạt động trở lại. Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, bà Trâm đã trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
"Chúng tôi tuyên truyền cho khách nếu có ho hoặc sốt thì báo ngay, để chúng tôi gọi đường dây nóng cho bên cơ quan y tế hỗ trợ. Đặc biệt chúng tôi tuân thủ nghiêm khắc về khai báo tạm trú", bàTrần Thị Bảo Trâm cho biết.
Góc hồ bơi của Pandanus Resort ở Mũi Né. |
Theo anh Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành, ngành du lịch Bình Thuận có nhiều biện pháp để vực dậy ngành du lịch. Trong đó đã triển khai gói kích cầu lớn trong thời gian 3 năm có tên gọi là “Oh Wow! Mũi Né”
"Chương trình này là đặt mục tiêu dài hạn, bởi vì trong thời điểm này không thể nói được chuyện gì, vì dịch bệnh chưa biết bao giờ hết. Chúng tôi phải xác định như thế. Và chương trình có sự đồng hành của Hiệp hội du lịch, cùng với các ngành nghề khác có liên quan như vận tải, rồi ăn uống và các dịch vụ khác. Chúng tôi làm tổng hợp để tạo ra sản phẩm du lịch thật tốt", anh Võ Xuân Nghĩa nói.
Anh Nguyễn Cảnh, trợ lý điều hành Pandanus Resort ở Mũi Né cho biết, thông qua “Oh Wow! Mũi Né”, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã tham gia chương trình phát hành thẻ VIP ưu đãi lên đến 50% trong thời gian 3 năm (2020 - 2022) tất cả các dịch vụ dành cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Mũi Né - Bình Thuận.
"Hy vọng chương trình này có thể thúc đẩy điểm đến, quảng bá điểm đến mạnh hơn nữa thu hút du khách trong và ngoài nước. Đồng thời đơn vị của chúng tôi cũng có một số chương trình giảm giá rất hấp dẫn như giảm giá 25% dịch vụ ẩm thực, giảm giá 30% cho dịch vụ spa", anh Nguyễn Cảnh cho biết thêm.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại nên nhu cầu du lịch sụt giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng giảm 30% so cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ ngành du lịch Bình Thuận trong tháng 3 vừa qua cũng chỉ đạt gần 775 tỷ đồng, giảm 37% so cùng kỳ năm ngoái.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành Sunny Beach Resort ở Mũi Né cho biết: để khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ngoài việc tham gia chương trình kích cầu “Oh Wow! Mũi Né”, Sunny Beach Resort cũng có chiến lược kinh doanh cụ thể cho từng thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 như phối hợp với các đơn vị bạn thực hiện chương trình “Bình Thuận tôi yêu”. Tham gia chương trình, du khách sẽ được vào khu resort khám phá, vui chơi, ngắm biển, tắm hồ bơi miễn phí và ăn những món ăn đặc trưng ở vùng biển này với giá cả phải chăng.
Khu thư giãn củaSunny Beach Resortở Mũi Né. |
"Trong giai đoạn này khách hàng mà còn, đã và đang đến ủng hộ không chỉ cho Sunny mà cho cả khu du lịch Mũi Né thì rất là quý, cho nên phải có những kế hoạch, chiến lược chăm sóc khách hàng thật tốt. Chúng ta phải bắt tay đồng hành, mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp có thể có một sản phẩm riêng, nhưng không chỉ cho riêng đơn vị mình mà phải hướng đến phát triển thương hiệu du lịch Mũi Né, Bình Thuận một cách tốt nhất", bà Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.
“Đặc sản” của du lịch Bình Thuận là biển xanh, cát trắng, nắng vàng, trong đó Mũi Né là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất với các khu resort tựa lưng ra biển. Để phát triển ngành du lịch, UBND tỉnh Bình Thuận đã thuê Tập đoàn McKinsey & Company (Mỹ) lập đề án phát triển du lịch Bình Thuận, trong đó có Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Với nhiều sáng kiến mang tính đột phá, Đề án kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu đón trên 13 triệu lượt du khách vào năm 2025, trong đó có gần 2,5 triệu lượt khách quốc tế.
Bên cạnh việc xúc tiến các gói kích cầu du lịch, chính quyền địa phương cũng có các chính sách cụ thể về thuế, bảo hiểm xã hội… để hỗ trợ lao động ngành du lịch; các doanh nghiệp cũng được xem xét về tiền thuê đất, giãn nợ thuế và ngân hàng. Từ đó giảm bớt thiệt hại cho ngành du lịch, được coi là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bình Thuận, nhằm thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh Covid-19./.
Từ khóa: du lịch bình thuận, bình thuận, điểm tham quan bình thuận, du lịch mùa dịch, mùa dịch covid-19
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN