Chủ tịch Quốc hội tiếp các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài
Cập nhật: 13/02/2020
TPHCM phải "đá tiền đạo" trong Kỷ nguyên vươn mình
Ngành Tư pháp quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, thi hành pháp luật (23/12/2024)
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội mong các Đại sứ chú trọng công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại nước sở tại.
Chiều 13/2, tại Nhà quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ. Cùng tiếp có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.
Tại buổi tiếp, các Đại sứ cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao trọng trách; hứa sẽ cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; bày tỏ mong muốn trên cương vị của mình sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ ngoại giao nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với các nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các Đại sứ nhận nhiệm vụ đúng vào giai đoạn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XII đã đề ra, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII. Đất nước đã chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Chưa bao giờ Việt Nam có vị thế như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, bất ổn, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước có xu hướng gia tăng, toàn diện hơn trước, không chỉ về chính trị, quân sự mà còn là kinh tế, công nghệ, không gian mạng.
Năm nay, Việt Nam đã nhận nhiều trọng trách như vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Năm Chủ tịch ASEAN 2020; và là nước chủ nhà Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA).
Có thể nói sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân đã có kết quả tích cực. Quốc hội đánh giá rất cao hoạt động đối ngoại trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2019 đã có nhiều kết quả, thấy rõ nhất là việc giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của các cơ quan của Bộ Ngoại giao và đội ngũ Trưởng các cơ quan đại diện nước ta tại các nước.
Vào lúc 18h chiều 12/2, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA với phiếu tán thành khá cao. Kết quả đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan trong nước và đặc biệt sự đóng góp của Đại sứ-Trưởng phái đoàn tại EU, các Đại sứ Việt Nam tại các nước thành viên châu Âu.
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các Đại sứ. |
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương các cán bộ của Đại sứ quán, cơ quan đại diện đã góp sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào thành tích chung đó.
Trước khi các Đại sứ lên đường nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, mỗi Đại sứ phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực vươn lên, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Trong từng thời kỳ, thời điểm, trước diễn biến tình hình hết sức phức tạp, cần nắm vững chủ trương đối sách của Đảng, Nhà nước, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là cơ sở nền tảng để xử lý, giải quyết công việc.
Là người đại diện của quốc gia ở nước ngoài, các Đại sứ cần xử lý tốt các công việc liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước/đối tác, thực sự trở thành những cầu nối hữu nghị hợp tác phát triển trong quan hệ; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo kịp thời tham mưu với trong nước xử lý các vấn đề phát sinh.
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, cần nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, nỗ lực tìm kiếm, kết nối đối tác, giới thiệu cơ hội phát triển, nguồn đầu tư nước ngoài cho trong nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chịu nhiều sức ép về thương mại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Ngoại giao và các Đại sứ tiếp tục phối hợp, các cơ quan của Quốc hội đảm nhận vai trò nước chủ nhà của Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), tổ chức thành công Năm AIPA 2020, đặc biệt là Đại hội đồng AIPA 41 dự kiến tổ chức đầu tháng 9/2020 và đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký AIPA nhiệm kỳ 2019-2022.
Các Đại sứ cần chú trọng công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại nước sở tại. Bên cạnh đó, cần cố gắng nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm các nước bạn về xây dựng và quản lý Nhà nước để các bạn quốc tế thấy được quyết tâm đổi mới của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh ở nước ngoài, đẩy mạnh hòa hợp dân tộc cũng chính là góp phần để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Do vây, các Đại sứ cần quan tâm tổ chức học tiếng Việt cho con em kiều bào, nhất ở các nước có đông người Việt, bởi tiếng Việt là hồn cốt của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Đại sứ phải luôn quán triệt lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ còn kéo dài, phức tạp. Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh triển khai nhiều kênh đối thoại, tiếp xúc vừa để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa tranh thủ tiếng nói ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Theo Hiến pháp năm 2013, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn 85 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài./.
Chủ tịch Quốc hội: Giảm lễ hội, họp trực tuyến để phòng chống corona
Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ Lào
Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội, Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ, bảo vệ chủ quyền
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN