Chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp báo chí an toàn trong đại dịch Covid-19
Cập nhật: 04/10/2021
Chiều 29/9, tại Hà Nội, Đài TNVN (VOV) và Đài Phát thanh Quốc gia Indonesia (RRI) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp an toàn trong đại dịch Covid-19”.
Chiều 29/9, tại Hà Nội, Đài TNVN (VOV) và Đài Phát thanh Quốc gia Indonesia (RRI) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp an toàn trong đại dịch Covid-19”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Indonesia. Cả hai nước đang chịu những tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra. Vì thế buổi tọa đàm là hoạt động nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các phóng viên 2 Đài, những người thường xuyên phải tác nghiệp trong vùng dịch, tiếp xúc trực tiếp với những người nhiễm Covid-19.
Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển phát biểu khai mạc tọa đàm
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển nhấn mạnh, Việt Nam và Indonesia cũng như toàn thế giới đã trải qua 2 năm chiến đấu với Covid-19. Đồng thời phóng viên, nhà báo 2 đài cũng là lực lượng tuyến đầu đưa tin, bài tới công chúng về tình hình dịch bệnh. Các phóng viên VOV cũng theo dõi chặt chẽ tình hình Covid-19 ở Indonesia và cảm phục hoạt động tác nghiệp của các đồng nghiệp ở đây. Ngoài ra, phóng viên VOV thường trú tại Indonesia vẫn hàng ngày, hàng giờ chuyển những thông tin Covid-19 ở nước bạn về để khán thính giả tại Việt Nam có thể theo dõi chặt chẽ. Tại Việt Nam, các phóng viên ở các báo đài trong đó có VOV vẫn luôn miệt mài làm việc để truyền tải thông tin nhanh nhất tới công chúng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc tác nghiệp an toàn của các phóng viên, nhà báo luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế,Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển hy vọng rằng “cuộc hội thảo ngày hôm nay sẽ giúp cho các phóng viên, biên tập viên của 2 đài sẽ có kinh nghiệm hữu ích để đưa những tin bài hay, sinh động, hấp dẫn đến công chúng của VOV và RRI. Đồng thời đây cũng là hoạt động góp phần thắt chặt sự hợp tác giữa 2 đài”.
Tại buổi tọa đàm, ông Soeleman Yusuf - Giám đốc Chương trình và Sản xuất RRI nhấn mạnh về mối quan hệ tương hỗ nồng ấm giữa VOV và RRI từ năm 2014 đến nay. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo RRI khi dịch Covid-19 diễn ra.
Ông Soeleman Yusuf - Giám đốc Chương trình và Sản xuất RRI chia sẻ trực tuyến tại buổi tọa đàm
“Các phóng viên, nhà báo RRI đều bắt đầu ngày mới bằng cách sản xuất các chương trình phát thanh một cách trực tuyến. Tuy nhiên với đặc thù nghề nghiệp thì bối cảnh làm việc như vậy cũng gặp rất nhiều trở ngại, bởi không thể tự do tác nghiệp tại hiện trường do các quy định chặt chẽ của Indonesia ở thời điểm vừa qua, ngay cả việc đến cơ quan, đến các trung tâm thương mại hay nơi công cộng để tác nghiệp đều phải có mã số quy định. Phóng viên chỉ được đến hiện trường khi có các sự kiện quan trọng như tuyên bố của các lãnh đạo quốc gia, thế nhưng mọi hoạt động đều diễn ra nghiêm ngặt”, ông Soeleman Yusuf - Giám đốc Chương trình và Sản xuất RRI cho biết.
Vì thế, ông Soeleman Yusuf bày tỏ niềm vui mừng khi hội thảo này được tổ chức để 2 đài cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm về cách đối phó với đại dịch này và các phương thức tác nghiệp an toàn để đưa thông tin tới bạn đọc.
Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các diễn giả. Đó là những phóng viên, nhà báo đã có khoảng thời gian tác nghiệp tại tâm dịch Covid-19. Ngoài chia sẻ những kinh nghiệm để tác nghiệp an toàn tránh bị lây nhiễm, các diễn giả còn đưa ra những kiến nghị, khuyến nghị xuất phát từ tình hình thực tế để đồng nghiệp hai bên trao đổi, tham khảo.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại đầu cầu TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Năm – Giám đốc CQTT VOV tại TP.HCMchia sẻ: “Khẩu trang đối với tôi và anh em đồng nghiệp ở đây là vật bất ly thân đã từ nhiều tháng nay, điều đó cho thấy tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đang phức tạp như thế nào. Tại đây, nhiều hoạt động gần như tê liệt, nhưng đối với các nhà báo thì đây là thời điểm hoạt động hết sức sôi động. Thế nhưng an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”.
Ông Nguyễn Ngọc Năm đã chia sẻ một số cách thức tác nghiệp mà VOV TP.HCM đã thực hiện đó là đặt an toàn lên hàng đầu và là phương châm khi tác nghiệp hiện trường; Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, cơ quan đặt mua các bộ quần áo kháng khuẩn như quần, áo mũ, khẩu trang, găng tay cao su… dành cho phóng viên khi làm việc hiện trường; Tích cực liên hệ với các cơ quan tại địa bàn để tất cả anh em phóng viên được tiêm mũi 1 và 2 sớm nhất; Thực hiện 5K, nhất là khi tiếp xúc với các nhân vật phỏng vấn; Lãnh đạo cơ quan chỉ cử phóng viên đến các bệnh viện điều trị F0 hoặc các trung tâm khác, khi đã tiêm đủ 2 mũi; Thực hiện phỏng vấn qua điện thoại nếu thấy cần thiết và một số các biện pháp khác…
Đã có một thời gian tác nghiệp tại tâm dịch TP.HCM, anh Lê Thành Lương – phóng viên Phòng Thể thao VOV2 đã có những chia sẻ thiết thực với hội thảo. Với anh, chuyến đi này mang tới những trải nghiệm thú vị, kích thích, ngỡ ngàng và cũng giúp anh nhận ra thêm những điều cần chuẩn bị cho những chuyến công tác khác trong tương lai.
“Mặc dù thường xuyên tác nghiệp độc lập, một mình, nhưng tôi cho rằng kỹ năng làm việc nhómđóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của một chuyến công tác có nhiều người tham gia. Ví dụ, việc có một người chuyên viết nội dung, dựng hình, một người quay phim sẽ giúp cho sản phẩm báo chí được trau chuốt, cẩn thận hơn so với việc tác nghiệp cá nhân”, anh Lê Thành Lương chobiết.
Phóng viên Hoàng Lê của Báo Điện tử VOV chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại tọa đàm
Là phóng viên chuyên trách mảng ytế và thường xuyên có mặt tại những "vùng đỏ” nguy hiểm về dịch Covid-19, chịHoàng Lê – phóng viên Phòng Xã hội – Báo Điện tử VOVđã có những tin bài chân thực, sâu sắc về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội. Vì thế, tham dự hội thảo hôm nay, ngoài việc ngoài đưa ra các quy định chung về phòng, chống dịch Covid-19, các các biện pháp an toàn trong khi tác nghiệp, là một người làm báo, chị Hoàng Lê hy vọng “mỗi một phóng viên, chúng ta chống dịch trên mặt trận thông tin để loại bỏ fakenews, tin xấu độc, nâng cao nhận thức của người dân để cùng chung tay chống dịch. Cùng nhau chia sẻ thông điệp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 là không ai bị bỏ lại phía sau, một người an toàn, cả nước mới an toàn”./.
Nguyễn Hà/VOV.VN
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D